-
-
-
Tổng cộng:
-
Những thách thức trí tuệ nhân tạo mang đến cho xã hội và cách thức giải quyết
Cách đây không lâu, chúng ta vẫn tin rằng chỉ có con người mới có thể đọc hiểu chữ viết hay tham gia những trò chơi trí tuệ như cờ vua. Vậy mà giờ đây, với trình độ phát triển khoa học công nghệ tiên tiến, bằng trí tuệ nhân tạo (AI), máy móc lại có thể làm được những công việc vốn do con người thực hiện và thậm chí còn làm tốt hơn cả con người. AI đang dần đi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống con người, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề mới về trí tuệ nhân tạo mà chúng ta chưa hiểu rõ.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã phát hành ấn phẩm “WIPO Technology Trends 2019 – Artificial Intelligence” cung cấp những luận giải, phân tích dựa trên số liệu cụ thể cùng với đánh giá của các chuyên gia sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về trí tuệ nhân tạo từ góc nhìn của sở hữu trí tuệ. Trong số đó, bài viết “Key issues arising from AI and policy responses” đã nêu năm thách thức mà trí tuệ nhân tạo mang đến cho xã hội và cách thức các quốc gia giải quyết những thách thức đó, cụ thể:
1. AI ảnh hưởng đến vấn đề việc làm
Tới đây công nghệ hoàn toàn có thể thay thế được con người để thực hiện một số công việc, điều này đương nhiên dẫn tới người lao động bị mất việc hoặc bị cắt giảm lương. Công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Ngoài ra, công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với các quốc gia cung cấp lao động giá rẻ.
2. Theo dự báo thì trí tuệ nhân tạo còn có thể đe dọa tới vấn đề an ninh.
Những ứng dụng AI hiện nay có thể sử dụng cho mục đích quân sự hoặc thực hiện tấn công mạng. Công nghệ trí tuệ nhân tạo trong mạng xã hội có thể vô tình hỗ trợ và làm gia tăng các hành vi nguy hại. Tất cả những điều này đặt ra yêu cầu cần có những phương thức bảo mật an ninh mới.
3. Vấn đề bảo mật dữ liệu
AI giống như một quy trình tối ưu hóa bằng dữ liệu với khả năng xử lý một lượng lớn dữ liệu đầu vào. Nhưng đôi khi những dữ liệu này có thể bị lợi dụng, do đó các ứng dụng trí tuệ nhân tạo cần có cách thức vận hành một cách minh bạch từ khâu thu thập đến sử dụng dữ liệu đầu vào.
4. Dự đoán tương lai của siêu trí tuệ
Không ai có thể biết trí tuệ nhân tạo sẽ đưa tương lai của chúng ta tới đâu, theo chiều hướng tốt hay xấu. Điều gì sẽ xảy ra nếu máy móc có trí tuệ vượt qua cả con người. Việc tạo ra siêu trí tuệ là hoàn toàn có thể với sức phát triển của công nghệ như hiện tại.
5. Vai trò điều hướng công nghệ trí tuệ nhân tạo nên thuộc về ai?
Song song với việc phân tích các tác động của trí tuệ nhân tạo, thì một câu hỏi khác được đặt ra: nên trao quyền quản lý cho chính phủ hay khu vực tư nhân? Có chuyên gia cho rằng nếu chính phủ chi phối công nghệ trí tuệ nhân tạo thì sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, do đó khu vực tư nhân nên trở thành người dẫn đường. Tuy vậy, cũng có ý kiến đề nghị nên trao quyền kiểm soát việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo cho các chính phủ. Vấn đề này cần có sự nghiên cứu sâu và đa chiều.
Trước thách thức mà công nghệ AI đem lại như vậy, chính phủ các quốc gia đối mặt với bài toán vừa phải tạo động lực phát triển khoa học công nghệ nhưng vừa phải giải quyết các tác động của trí tuệ nhân tạo. Đã có một số quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành các quy định, chính sách và đề án đẩy mạnh phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo với tham vọng trở thành người đi đầu, mở ra một thị trường mới mang lại giá trị kinh tế cao. Đi cùng với những phương thức khuyến khích đổi mới sáng tạo công nghệ trí tuệ nhân tạo thì các quốc gia cũng đề ra nhiều giải pháp cụ thể để ứng phó với những thách thức mới đặt ra.
Xem thêm bài viết “Key issues arising from AI and policy responses” bằng tiếng Anh được đăng tại ấn bản phẩm “WIPO Technology Trends 2019: Artificial Intelligence” (trang 120):
https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/wipo_pub_1055.pdf
Geolink tổng hợp từ IPvietnam