Kiến thức

NGÀNH Y VIỆT VÀ HỌC VIỆN QUÂN Y ĐÃ ỨNG DỤNG HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐỊA LÝ NHƯ THẾ NÀO?

27/12/2021 GeoLink Thu Giang 0 Nhận xét

GIS (viết tắt của Geographic Information System) dịch nghĩa - Hệ thống thông tin địa lý - được hiểu là “Hệ thông tin máy tính có khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý và hiển thị thông tin, dữ liệu địa lý”; cấu thành bởi: phần cứng, phần mềm, dữ liệu, con người và phương pháp. GIS đã được phát triển và ứng dụng rộng rãi trên thế giới cũng như tại Việt Nam trên phạm vi toàn quốc trong nhiều lĩnh vực: tài nguyên, môi trường, lâm – nông – ngư nghiệp, quản lý đô thị, du lịch, khảo cổ, khí tượng thủy văn, giao thông, y tế, hậu cần, quân sự…

Giao diện hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ, bản đồ phân bố sinh vật - dược liệu biển sử dụng công nghệ MapXtreme do Ban CNTT - Học viện Quân y thiết kế, lập trình (năm 2008)

Sự phát triển của GIS trong ngành Y học Việt Nam

Một số đơn vị y tế đã triển khai ứng dụng GIS phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, bước đầu thu được một số kết quả khả quan. Các sản phẩm GIS tiêu biểu trong ngành y Việt đó là:

  • “Hệ thống thông tin bảo đảm y tế phòng chống thảm họa do lũ lụt ứng dụng trên Internet” thực hiện năm 2001 (Giải thưởng Quả cầu vàng CNTT Việt Nam năm 2003) của tác giả Nguyễn Hòa Bình, thuộc Đề tài NCKH do GS.TSKH. Lê Thế Trung - Hội đồng tư vấn chuyên môn Y học thảm họa & Bỏng của Bộ Y tế làm chủ nhiệm được triển khai ứng dụng tại Sở Y tế của 5 tỉnh - thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình;
  • Công trình nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ Viễn thám và GIS trong dự báo nguy cơ sốt rét tại Bình Thuận năm 2002” do tác giả Nguyễn Ngọc Thạch - Trường Đại học KHTN Hà Nội làm chủ nhiệm được coi là những công trình nghiên cứu ứng dụng GIS đầu tiên trong y tế tại Việt Nam.
  • Nhóm các sản phẩm nghiên cứu của Học viện Quân y được thực hiện từ đầu những năm 2000 đến nay, bao gồm các lĩnh vực: dịch tễ, dược liệu, chuyên canh cây thuốc, phòng chống độc, phục vụ giảng dạy Y Dược…; và những năm gần đây là: “Hệ thống tính toán tồn lưu và lan tỏa chất độc da cam/dioxin” của Văn phòng 33 (2009); “Ứng dụng GIS trong quản lý và dự báo sốt rét” của Viện Sốt rét (2009); “Ứng dụng GIS trong kiểm soát và dự báo dịch tả” của Sở Y tế Bắc Ninh (2011); “Ứng dụng GIS trong quản lý và phòng chống HIV/AIDS” của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh (2011), "Ứng dụng GIS trong giám sát dịch tễ sốt rét tại tỉnh Lâm Đồng" - Luận án Tiến sỹ Y học (2013)…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong việc ứng dụng và phát triển GIS trong y tế tại Việt Nam:

  1. Thiếu các chuyên gia GIS có trình độ chuyên môn cao; 
  2. Các ứng dụng GIS chưa được đưa vào giới thiệu, giảng dạy tại các trường đại học Y Dược, đại đa số cán bộ nhân viên y tế còn thiếu hiểu biết về GIS, trong khi đó các hệ thống GIS lại khá phức tạp, đòi hỏi phải đạt trình độ nhất định mới có thể triển khai ứng dụng;
  3. Các CSDL GIS chuyên ngành chủ yếu được xây dựng thông qua các dự án, đề tài nghiên cứu và không được tiếp tục cập nhật sau khi nghiệm thu;
  4. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều chưa chú trọng đầu tư phương tiện, thiết bị chuyên ngành và phần mềm;
  5. Các giải pháp, công nghệ đang được ứng dụng chỉ ở mức độ cơ bản, đơn giản;
  6. Lĩnh vực triển khai ứng dụng còn hạn hẹp...

Ứng dụng GIS tại Học viện Quân y

Học viện Quân y là một trong số ít đơn vị y tế đầu tiên tại Việt Nam triển khai nghiên cứu và ứng dụng GIS phục vụ đào tạo, nghiên cứu và điều trị. Ngay từ đầu những năm 2000, cán bộ - nhân viên của Ban CNTT (lúc bấy giờ là Ban Quản trị mạng) đã được các chuyên gia giỏi của Cục Bản đồ/Bộ Tổng Tham mưu, Bộ môn Địa lý – Tin học/Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm KHCN&KT Quân sự (nay là Viện KH&CN Quân sự), Khoa CNTT/Trường đại học Mỏ địa chất, Trung tâm CNTT/Bộ Tài nguyên Môi trường... hợp tác, giúp đỡ, tập huấn, chuyển giao các công nghệ về số hóa bản đồ và lập trình phát triển các ứng dụng GIS trên các công cụ: MicroStation, MapInfo, MapXtreme, ArcGIS, GeoConcept, GeoServer, Open GIS, Google Map API... Một số sản phẩm do Ban CNTT nghiên cứu lập trình đã được triển khai ứng dụng thành công tại Học viện như: phần mềm quản lý bản đồ phân bố cây thuốc và vùng chuyên canh cây thuốc, quản lý hồ sơ và bản đồ phân bố sinh vật - dược liệu biển, quản lý hồ sơ và bản đồ phân bố côn trùng gây bệnh và truyền bệnh, quản lý CSDL bài giảng phục vụ giảng dạy  dịch tễ học...

Trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2015, Học viện đã chủ trì triển khai nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học lĩnh vực Y - Dược trong đó có các nội dung hoặc các sản phẩm nghiên cứu về GIS, cụ thể gồm:

 

TT

Tên dự án – đề tài NCKH

Cấp

Năm

Nội dung, sản phẩm GIS

1

Đề tài: Bản đồ phân bố và dự báo một số bệnh thường gặp tại Việt Nam.

Chủ nhiệm: PGS. TS. Đoàn Huy Hậu.

Ngành

2002

CSDL bản đồ dịch tễ (MapInfo).

2

Dự án: Điều tra cơ bản thực trạng phân bố cây thuốc có giá trị kinh tế cao ở 04 tỉnh biên giới phía Bắc; đề xuất xây dựng mô hình chuyên canh cây thuốc góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo  đảm an ninh biên giới(*).

Chủ nhiệm: GS. TS. Lê Bách Quang

Bộ

2003

÷

2005

Bản đồ số; CSDL; Phần mềm quản lý hồ sơ, bản đồ phân bố cây thuốc, vùng chuyên canh cây thuốc (WinGIS).

3

Dự án: Điều tra cơ bản thực trạng phân bố cây thuốc có giá trị kinh tế cao ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên; đề xuất xây dựng mô hình chuyên canh cây thuốc góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo  đảm an ninh quốc phòng(*).

Chủ nhiệm: GS. TS. Lê Bách Quang

Bộ

2006

÷

2008

Số hóa bản đồ; Xây dựng CSDL; Lập trình phần mềm quản lý hồ sơ, bản đồ phân bố cây thuốc, vùng chuyên canh cây thuốc (WinGIS).

4

Đề tài: Xây dựng CSDL động vật côn trùng gây bệnh hoặc truyền bệnh ở một số vùng rừng núi và ven biển Việt Nam.

Chủ nhiệm: GS. TS. Lê Bách Quang.

Bộ

2007

÷

2009

CSDL; Phần mềm quản lý hồ sơ, bản đồ phân bố côn trùng gây bệnh, truyền bệnh (WinGIS).

5

Đề tài: Xây dựng bản đồ địa lý kỹ thuật số, sổ tay hướng dẫn phòng chống thực vật độc, nấm độc gây bệnh thường gặp ở Việt Nam.

Chủ nhiệm: PGS. TS. Hoàng Công Minh.

Bộ Quốc phòng

2007

÷

2009

CSDL; Phần mềm quản lý hồ sơ, bản đồ phân bố thực vật độc, nấm độc (WinGIS).

6

Dự án: Điều tra đánh giá một số loài sinh vật ven biển từ Quảng Ninh tới Khánh Hòa dùng làm dược liệu phục vụ cho bộ đội và cộng đồng; đề xuất biện pháp bảo tồn, khai thác.

Chủ nhiệm: GS. TS. Hoàng Văn Lương.

Bộ

2008

÷

2010

Bản đồ số; CSDL; Phần mềm quản lý hồ sơ, bản đồ phân bố sinh vật, dược liệu biển (WinGIS).

7

Dự án: Điều tra đánh giá một số loài sinh vật ven biển từ Ninh Thuận tới Cà Mau dùng làm dược liệu phục vụ cho bộ đội và cộng đồng; đề xuất biện pháp bảo tồn, khai thác.

Chủ nhiệm: GS. TS. Hoàng Văn Lương.

Bộ

2011

÷

2012

Bản đồ số; CSDL; Phần mềm quản lý hồ sơ, bản đồ phân bố sinh vật, dược liệu biển (WinGIS).

8

Đề tài: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS trong giảng dạy Dịch tễ học.

Chủ nhiệm: TS. Đinh Hồng Dương.

Ngành

2012

CSDL bài giảng dịch tễ; Phần mềm minh họa bản đồ dịch bệnh phục vụ giảng dạy (WebGIS).

9

Dự án: Điều tra thành phần loài, phân bố, tác động gây hại của nấm độc, thực vật độc, động vật độc; đề xuất một số giải pháp khắc phục.

Chủ nhiệm: GS. TS. Hoàng Văn Lương.

Bộ

2014

÷

2016

Bản đồ số; CSDL; Phần mềm quản lý hồ sơ, bản đồ phân bố, tác động gây hại của nấm độc, thực vật độc, động vật độc (WebGIS).

(*) Thuộc cụm công trình "Nghiên cứu mô hình kết hợp quân dân y phục vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong thời kỳ đổi mới" được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.

Nhằm nâng cao trình độ, hiểu biết về công nghệ GIS cho các cán bộ, giảng viên, nhân viên tại Học viện Quân y. Cho đến nay, Ban CNTT của Học viện đã chủ động biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng và trực tiếp giảng dạy 03 lớp về công nghệ GIS, bao gồm các nội dung: hướng dẫn sử dụng phần mềm Map-Info, ứng dụng phần mềm ArcGIS trong quản lý dữ liệu Y Dược, ứng dụng công nghệ GIS trong giảng dạy tại một số chuyên ngành Y Dược.

Bên cạnh việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm phần mềm GIS ứng dụng trong lĩnh vực Y - Dược, Học viện còn triển khai ứng dụng thành công GIS trong công tác quản lý nhà đất, doanh trại và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng. Ban Bản đồ của Học viện thành lập từ năm 2001, được đầu tư các trang thiết bị chuyên ngành hiện đại như: xe ôtô đặc chủng đo đạc bản đồ điều kiện dã ngoại, thiết bị đo đạc và định vị vệ tinh, hệ thống máy tính cấu hình cao chuyên dùng trong GIS, máy in màu A0, máy quét A0, máy chiếu cự ly xa có độ nét cao, các thiết bị phụ trợ, các phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực GIS… Hàng năm, đo đạc và số hóa nhiều loại bản đồ phục vụ huấn luyện - đào tạo và các nhiệm vụ an ninh quốc phòng của Học viện cũng như của Cục Bản đồ, Bộ Quốc phòng giao cho.

Thời gian tới Học viện sẽ tiếp tục hợp tác với các chuyên gia giỏi về lĩnh vực GIS; chủ động biên soạn tài liệu, thông tin, giới thiệu về công nghệ GIS cũng như khả năng ứng dụng trong lĩnh vực y tế để cán bộ, giảng viên của Học viện có thể tìm hiểu, nghiên cứu đề xuất áp dụng; đồng thời tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn sử dụng các phần mềm chuyên dùng GIS thông dụng như: MapInfo, ArcGIS... ứng dụng trong quản lý, phân tích, thống kê và dự báo phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ tại các đơn vị; định hướng thiết kế, lập trình phát triển các phần mềm ứng dụng theo mô hình WebGIS, sử dụng công nghệ Google Map API (đối với dữ liệu dân sự) để người dùng có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác thông tin dữ liệu trên môi trường mạng nội bộ và mạng Internet; làm tốt công tác chuyển giao công nghệ và các sản phẩm nghiên cứu để các đơn vị tiếp tục duy trì, phát triển; từ đó từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả ứng dụng GIS phục vụ huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị tại Học viện Quân y./.

Geolink tổng hợp từ Học viện Quân Y

popup

Số lượng:

Tổng tiền: